Đặt điện cực kích thích não: Giải pháp “đặc trị” cho bệnh nhân Parkinson
VHO- “Bệnh nhân Parkinson thường bỏ qua dấu hiệu từ... 25 năm trước” là vấn đề được Văn Hóa (số 3714, ra ngày 25.4) đề cập liên quan đến những dấu hiệu sớm ở bệnh nhân Parkinson. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tiếp tục đặt câu hỏi làm thế nào để điều trị hiệu quả giúp bệnh nhân giảm các triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống?
Niềm vui của người bệnh sau ca phẫu thuật Ảnh: T.BÌNH
Một năm nay, bà Cao Thị Đương (sinh năm 1955, TP Việt Trì, Phú Thọ) không còn tủi thân, khóc thầm vì những biến chứng của bệnh Parkinson, thay vào đó là niềm vui trong cuộc sống. Trong lúc trò chuyện bà luôn nở nụ cười hạnh phúc không giấu giếm.
Hết co cơ, cứng khớp sau phẫu thuật
Bà Cao Thị Đương cho biết, từ ngày được phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu, các triệu chứng co cơ 10 phần đã đỡ được 7-8 phần. Bệnh Parkinson của bà xuất hiện 10 năm trước, và ngày càng tăng nặng, thường bị co cứng khớp, khiến bà tự xúc cơm ăn toàn bị văng ra ngoài, không tự phục vụ được vệ sinh cá nhân, phải uống 7 viên thuốc/ngày. “Tôi chẳng làm được việc gì, như người vô dụng, tủi thân lắm, nhiều khi chỉ biết khóc”, bà Đương chia sẻ.
Trước tình trạng sức khỏe của bà, con trai bà đã tìm hiểu và đưa bà đến khám bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Sau khi làm các thủ tục và các bài kiểm tra, bà Đương đủ điều kiện để phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu. “Tôi vào phòng mổ từ 7h sáng, đến 9h tối mới xong, trong lúc này tôi vẫn tỉnh táo nói chuyện với các bác sĩ. Tôi cũng sợ lắm, đòi gặp mặt các con nhưng được các bác sĩ an ủi, động viên. Sau mổ thì tôi được khám 2 lần, nhưng các bác sĩ vẫn thường xuyên gọi điện để hỏi thăm và hướng dẫn. Bây giờ tôi đã tự ăn cơm, tắm gội, mỗi ngày đi bộ 2 lần vào buổi sáng và chiều nên sức khỏe tốt hơn nhiều lắm”, bà Đương cho hay. Phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu là một phương pháp phẫu thuật sọ não nhằm đưa một que kim loại (còn gọi điện cực) vào đúng các cấu trúc sâu trong não. Sau đó, điện cực được nối với một dây dẫn ra khỏi não, luồn dưới da từ vùng đầu đến vùng trước ngực rồi gắn vào máy tạo nhịp được đặt ở đó. Kỹ thuật này được áp dụng từ lâu trên thế giới, nhưng tại Việt Nam thì từ năm 2016 mới áp dụng với sự tham gia giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế. Sau phẫu thuật, các biểu hiện như loạn động đã được kiểm soát, các triệu chứng như cứng cơ được cải thiện 80-90%, triệu chứng run được cải thiện 70%.
Tuy nhiên, không phải bệnh nhân Parkinson nào cũng có thể phẫu thuật đặt điện cực. TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Khoa Nội - Hồi sức Thần Kinh (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết, trước khi thực hiện ca phẫu thuật, bệnh nhân phải đảm bảo tiêu chí độ tuổi dưới 70, đáp ứng kém với thuốc, được theo dõi tình trạng sức khỏe 6-12 tháng. Đồng thời trải qua nhiều bài test tâm lý, với những bệnh nhân trầm cảm, rối loạn tâm thần thì không thực hiện được. “Kỹ thuật đặt điện cực kích thích não sâu là mở khoan 2 lỗ trên hộp sọ, định vị chính xác vị trí đặt điện cực thông qua các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, sau đó tính tọa độ để đưa vào vùng nhân sáng trong não. Bệnh nhân sẽ được theo dõi trong quá trình trước, trong, sau ca phẫu thuật để xem điện cực đã nằm đúng chỗ chưa. Để thực hiện ca phẫu thuật, đòi hỏi sự tham gia của bác sĩ của nhiều chuyên khoa khác như nội, ngoại thần kinh, gây mê, hồi sức, tâm lý... Trong quá trình mổ, sau bệnh nhân phải tỉnh hoàn toàn, nói chuyện, trao đổi để đánh giá các biểu hiện lâm sàng. Sau khi mổ bệnh nhân được nằm điều trị 1 tuần - 10 ngày để theo dõi các biến chứng sau mổ như nhiễm trùng, chảy máu... ”, TS Tuấn giải thích.
Mong nhiều bệnh nhân được tiếp cận với kỹ thuật y tế hiện đại
Hiện nay một số bệnh viện ở Việt Nam thực hiện được ca phẫu thuật này như Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện E. Theo TS Nguyễn Anh Tuấn, do tác động của dịch bệnh nên 2 năm qua việc thực hiện các ca phẫu thuật bị gián đoạn, nhưng sắp tới sẽ triển khai nhiều hơn. Đến nay đã có 16 bệnh nhân được phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu và theo dõi các triệu chứng, các bệnh nhân đều có dấu hiệu tiến triển tốt.
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện phẫu thuật đã không cần sự tham gia của các chuyên gia quốc tế, mà chỉ có sự hỗ trợ của các chuyên gia trong nước tại TP.HCM, và tiến tới sẽ làm chủ kỹ thuật hoàn toàn. Trong giai đoạn này, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang có 2 bệnh nhân Parkinson được kiểm tra, thực hiện các bài test để tiến hành ca phẫu thuật. Trong đó, bệnh nhân Lê Hồng Vân (70 tuổi, TP Vinh, Nghệ An) cũng nóng lòng muốn được thực hiện phẫu thuật để cải thiện tình trạng bệnh của mình. Ông Vân cho hay, gần nhà ông cũng có người bạn mắc bệnh Parkinson, sau phẫu thuật đã có thể đi lại bằng xe máy 3 bánh, làm việc nhẹ được.
Con dâu Đặng Thị Cẩm Nhung cho biết thêm, bố chồng mắc bệnh đã 20 năm nay, hiện ông phải hạn chế đi lại, chủ yếu ngồi một chỗ, tự xúc cơm thì rơi ra ngoài nhiều. Để khắc phục, ông tự uống thuốc quá liều là 12 viên/ngày (bác sĩ chỉ định 7-8 viên/ngày) nên chịu nhiều tác dụng phụ của thuốc, bị rối loạn thần kinh; khi thuốc hết tác dụng, đang đi thì bị ngã... “Nhiều hôm thời tiết thay đổi, bố tôi bị ảo giác, đi ra ngoài và không tìm được đường về nhà, nói ngọng nên nhiều người không hiểu. Ông còn bị trầm cảm và đã vài lần muốn tự tử vì biến chứng bệnh của mình. Nên khi bác sĩ thông báo bố tôi đã đủ điều kiện để thực hiện ca phẫu thuật thì ông mừng lắm, khoảng giữa tháng 5 sẽ thực hiện, gia đình chúng tôi sẽ gom góp đủ tiền để chi trả cho ca phẫu thuật”, chị Nhung chia sẻ.
Parkinson là bệnh lý thoái hóa thần kinh và tiến triển từ từ, nặng dần theo thời gian, đặc biệt là người trên 60 tuổi (chiếm khoảng 1% dân số). Bệnh có biểu hiện lâm sàng là triệu chứng vận động gồm run và co cứng cơ, chậm chạp, mất ổn định về tư thế, bệnh nhân đi lại dễ bị ngã, cùng với đó là các bệnh liên quan đến trầm cảm, tiêu hoá, rối loạn thần kinh... Phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu là một trong những kỹ thuật hiện đại nhất trong điều trị cho bệnh Parkinson giúp họ giảm các triệu chứng run, cứng cơ, cải thiện được cuộc sống.
Tuy nhiên, Trưởng Khoa Nội - Hồi sức Thần Kinh cho rằng, rào cản lớn nhất để các bệnh nhân được thực hiện các ca phẫu thuật là chi phí còn khá đắt, dù chỉ bằng khoảng 1/3 so với thế giới nhưng bệnh nhân phải chi trả khoảng 800 triệu đồng/ca. Do đó, nếu Quỹ BHYT thanh toán một phần danh mục dịch vụ trong kỹ thuật này sẽ có nhiều bệnh nhân Parkinson được tiếp cận với y tế hiện đại hơn.
QUỲNH HOA